Các lỗi sai cơ bản khi viết CV xin việc !

Trong bài viết CV là gì ? Khái niệm về CV cho người mới bắt đầu ! lần trước cách đây không lâu mình đa khái quát cho bạn những điều cần biết về CV và cách để viết một CV chuẩn là như thế nào. Nhưng có rất nhiều bạn đã emial hỏi lại mình về những lỗi cơ bản khi viết CV và phải làm thế nào để biết và tránh được những lỗi cơ bản khi viết CV này.

Hãy tưởng tượng CV của bạn như một chiếc bánh đang trong dây chuyền kiểm định chất lượng thực phẩm nghiêm ngặt. Thật chẳng may, chiếc bánh ấy bị phát hiện một lỗi nhỏ và dù trông có ngon lành đến cỡ nào, nó cũng vẫn bị dây chuyền loại bỏ một cách không thương tiếc. Với bài viết này, Góc Kỹ Năng Sống sẽ cùng các bạn tìm hiểu những lỗi cơ bản khi viết CV chuyên nghiệp để giúp CV của bạn tránh được nguy cơ loại – từ – vòng – gửi – xe.
Các lỗi sai khi viết CV chuyên nghiệp

A. Vấn đề của vỏ bánh – lỗi cơ bản về hình thức

Cũng như vỏ bánh cần tạo cảm giác cho người thưởng thức muốn cầm lấy và đưa vào miệng thì hình thức CV chính là ấn tượng đầu tiên quyết định việc nhà tuyển dụng có muốn đọc hết bản CV hay không. Một CV tốt sẽ không bao giờ mắc những điểm trừ “nhạy cảm” sau:

1. Sai lỗi chính tả

Có thể một sinh viên sẽ cười khẩy khi ai đó nhắc anh ta về chính tả. Nhưng, hãy coi chừng! Theo một cuộc khảo sát trên 2500 CV , 56% CV vẫn mắc phải những sai sót về chính tả và 61% nhà tuyển dụng khi nhìn thấy một CV như vậy, họ sẽ ngay lập tức quẳng nó vào thùng rác. Tốt hơn hết là bạn nên nhờ người khác xem xét lại thật kĩ hoặc sử dụng phần mềm kiểm tra lỗi chính tả để đảm bảo từ ngữ trong CV đều được viết chính xác.

2. Quá dài dòng

Nhà tuyển dụng chỉ dành khoảng 10 – 15 giây để lướt qua một bản CV. Vì thế, bạn hoàn toàn không cần thiết phải đưa ra quá nhiều thông tin khiến cho CV dài đến 3 – 4 trang mà chỉ cần tập trung vào những thành tích mới nhất và những kinh nghiệm liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển. Nên nhớ rằng một CV hoàn hảo không bao giờ dài quá 2 trang giấy.

3. Định dạng văn bản kém, không sử dụng chấm tròn ( bullets)

“Format ” văn bản thể hiện phần nào đó tính cách của bạn, qua đó nhà tuyển dụng có thể đánh giá sự tỉ mỉ trong công việc của ứng viên. Hãy cẩn thận với những lỗi cơ bản như: cỡ chữ quá to hoặc quá bé ( tiêu đề thường để cỡ chữ 14 và đoạn văn bản là 11 hoặc 12 ); font chữ hoa mĩ, rườm rà; lạm dụng kiểu chữ gạch chân tiêu đề hay căn lề quá hẹp. Đặc biệt, việc không sử dụng những chấm tròn (bullets) khi liệt kê cũng là một thiếu sót lớn. Bạn nên tận dụng chúng để CV của mình trông thoáng mắt, dễ đọc hơn.

4. Tạo những khoảng trống trong CV

Từng không gian trên bản CV đều nên được sử dụng ” hết công suất “. Chẳng hạn: thay vì liệt kê toàn bộ thông tin cá nhân về bên trái và để chừa khoảng trống bên phải thì bạn có thể khéo léo sắp xếp thông tin ở cả hai bên, CV sẽ trông cân đối và tiết kiệm được không gian. Bạn cũng không nên bỏ trắng nửa trang cuối cùng mà hãy phân bố đều các phần mục để CV chiếm vừa trọn 2 trang giấy.

5. Đưa ảnh vào CV

Việc này nghe có vẻ cần thiết nhưng lại hoàn toàn không nên. Trừ phi bạn đang ứng tuyển vào các vị trí như diễn viên hay người mẫu thì những CV bao gồm cả ảnh chắc chắn sẽ không được đánh giá cao. Chỉ đưa ảnh khi nhà tuyển dụng yêu cầu thôi nhé!

B. Nhân bánh kém chất lượng – những vấn đề của nội dung

Nếu như nhân bánh không đảm bảo hoặc không hợp khẩu vị, liệu bạn có thể bỏ tiền túi để mua nó lần thứ hai? Cũng như nội dung CV và những gì bạn bộc lộ trong CV của mình chính là yếu tố chính để nhà tuyển dụng quyết định có gặp bạn trong vòng phỏng vấn hay không. Hãy lưu ý tránh 5 lỗi cơ bản sau đây :

1. Từ ngữ mơ hồ

Rất nhiều ứng viên khi đề cập đến kinh nghiệm của mình đều sử dụng những từ ngữ không rõ ràng như “chịu trách nhiệm về”, “hỗ trợ”, “đóng góp”. Nhà tuyển dụng sẽ có cảm giác bạn chỉ “ghé chân” chứ chưa thực sự thu nhặt được gì sau công việc đó cả. Hãy chú trọng sử dụng những động từ cụ thể, có liên quan đến vị trí đang ứng tuyển như: quản lí, phân tích, lên kế hoạch,.. Thêm vào đó, khi đề cập đến thành tích, bạn nên tránh dùng những từ chỉ số lượng chung chung: ” nhiều”, “một vài”. Tất cả thông tin đều cần được số hóa để nhà tuyển dụng có thể dễ dàng đánh giá về ứng viên của mình.

2. Thông tin dàn trải

James Innes , tác giả cuốn The CV Book đã từng nhận một CV dài trên 30 trang! Khó tin nhưng có thật. Đối với những người có nhiều thành tích, hoàn toàn không cần phải đề cập đến tất cả những thành tích đó bởi nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến những gì liên quan đến công việc. Ví dụ, bạn muốn ứng tuyển cho vị trí Giám đốc bán hàng mà lại dành cả trang để nói về giải thưởng trong các cuộc thi hát hay hội họa thì CV của bạn cũng chỉ như một chiếc bánh có vẻ “ngon” nhưng chắc chắn sẽ bị loại. Với thành tích và kinh nghiệm làm việc, hãy nhớ rằng chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng.
Lỗi sai khi viết CV xin việc
3. Trình tự sắp xếp không hợp lí

Khi liệt kê thành tích, kinh nghiệm hay hoạt động ngoại khóa, bạn cần phải sắp xếp chúng theo trình tự thời gian lùi dần để thể hiện được con người bạn trong hiện tại. Những thông tin đưa vào chỉ nên giới hạn trong khoảng thời gian gần đây, đừng nên đề cập đến cả những giải thưởng từ thời tiểu học hay trung học cơ sở dù đó có thể là giải Quốc gia, Quốc tế đi chăng nữa. Việc lựa chọn đặt trình độ học vấn hay kinh nghiệm làm việc lên trước cũng khá quan trọng. Nếu là một sinh viên mới tốt nghiệp, dĩ nhiên, bạn cần đưa trình độ học vấn lên trên và làm ngược lại nếu như bạn đã đi làm.

4. Địa chỉ email thiếu chuyên nghiệp

Email là một trong những phần nhà tuyển dụng nhìn thấy đầu tiên khi đọc vào một bản CV và 35% trong số họ sẽ thẳng tay bỏ qua những CV với địa chỉ email hài hước,quá ấn tượng như: changtraithattinh@gmail.com hay cobengayngo@yahoo.com. Những email như thế cũng giống humberger vị tôm cho những người dị ứng với hải sản vậy.

5. Sử dụng ngôi thứ nhất

CV của bạn không phải là một lá thư cá nhân vì thế tuyệt đối không được dùng ngôi thứ nhất trong bất kì phần nào của CV. Ví dụ: thay vì nói “Tôi có khả năng thuyết trình và làm việc nhóm” thì hãy nói ” Có khả năng thuyết trình và làm việc nhóm”. Sử dụng từ “tôi” trong CV không những không thể hiện cá tính bản thân mà còn chỉ cho nhà tuyển dụng thấy sự non trẻ và thiếu kinh nghiệm.

Khi viết CV, chúng ta có thể mắc rất nhiều lỗi mà dù có tự đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn khó có thể nhận ra. Ngược lại, các nhà tuyển dụng lại rất tinh tường trong việc nhận diện những sai sót ấy. Vì vậy, trước khi nộp CV, bạn nên nhờ nhiều người có chuyên môn đánh giá và chắt lọc ý kiến của tất cả để có cho mình một bản CV hoàn thiện nhất.

Hãy cẩn thận với những sơ suất nhỏ nhặt. Đừng để cả chiếc bánh được chế biến công phu bị loại khỏi dây chuyền chỉ vì một lỗi đơn giản bạn nhé!

Hy vọng sau khi đọc bài viết này của mình bạn đã biết được những lỗi cơ bản khi viết CV rồi chứ ! Hãy để lại comment chia sẻ lại kinh nghiệm viết CV của bạn nếu như bạn đã từng thành công hay thất bại nhé, nó sẽ là một bài học và là kinh nghiệm giúp cho những bạn đi sau rất rất nhiều đấy ! Xin chào và hẹn gặp lại các bạn tại các bài viết lần sau.

Previous
Next Post »